Ngăn chặn sâu răng sẽ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian và tiền bạc. Chính vì vậy, trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu một trong những biện pháp phòng ngừa sâu răng tốt nhất: trám phòng ngừa.
Trám phòng ngừa là gì?
Trám răng phòng ngừa là thủ thuật phủ một lớp sealant lên các hố rãnh ở mặt nhai các răng hàm (răng cối lớn) hoặc tiền hàm (răng cối nhỏ). Lớp phủ này có nhiệm vụ ngăn chặn các vụn thức ăn có tính chất bám dính cao không thể bám được lên răng, từ đó ngăn ngừa vi khuẩn tấn công mặt nhai các răng.
Trám phòng ngừa
Lứa tuổi nào nên trám răng phòng ngừa?
Chiếc răng vĩnh viễn đầu tiên thường mọc vào khoảng 6 tuổi. Giai đoạn này là giai đoạn thay răng (6-12 tuổi) nên trẻ thường bị đau răng dẫn đến việc ngại đánh răng hoặc chỉ đánh qua loa. Thậm chí, bé còn có thể nhai không kỹ thức ăn và tạo điều kiện thuận lợi cho các vụn thức ăn bám vào bề mặt răng gây nên hiện tượng sâu răng.
Người lớn có cần phải trám phòng ngừa không?
Trám phòng ngừa nên được thực hiện ở tất cả các răng có nguy cơ sâu răng cao và không loại trừ lứa tuổi. Hãy để nha sĩ của bạn quyết định khi nào nên trám phòng ngừa và nên trám những răng nào.
Lời khuyên của nha sĩ
Những chiếc răng vĩnh viễn đầu tiên thường sẽ xuất hiện lúc 6 tuổi (răng cối lớn). Thông thường, 2 răng cối lớn hàm dưới sẽ mọc trước và 2 răng phía trên sẽ mọc sau đó khoảng 6 tháng. Đây là 4 chiếc răng quan trọng nhất trong toàn bộ hàm răng nhưng cũng là những chiếc răng dễ bị sâu nhất. Theo thống kê hơn 80% người Việt bị sâu răng này. Vì vậy, việc trám phòng ngừa cho các răng này (còn gọi là răng số 6) là việc cần thiết mà mọi trẻ em nên làm. Điều này sẽ giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho điều trị răng miệng sau này.